top of page

Thế nào là một cuốn sách hay? Có nhiều định nghĩa. Mình hiểu nó là một cuốn sách xứng đáng với sự chú ý của bạn. Một cuốn sách luôn làm ta phải tò mò rồi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một cuốn sách đặt vào trái tim ta một món quà khi gấp sách lại. Ngay cả khi ta không còn nhớ câu chuyện đó ra sao thì tinh thần cuốn sách cũng đã ngấm vào tâm khảm rồi.


Như Ralph Waldo Emerson đã từng nói:

"Tôi chẳng nhớ được những cuốn sách tôi đã đọc nhiều hơn mấy bữa cơm ăn rồi; dù vậy, những cuốn sách đó đã tạo nên con người tôi."


Dựa vào hai tiêu chí cuốn hút và sâu sắc, mình chọn 7 cuốn sách này để giới thiệu cho bạn, mong là nó sẽ trở thành cuốn sách yêu thích của ai đó khác. Có thể trong đây sẽ có vài cuốn bạn chưa từng nghe tên, nhưng tất cả đều thật sự là kiệt tác văn học thế giới. Chỉ là ở thị trường sách hiện tại, những cuốn thực sự giá trị ít khi là cuốn được PR mạnh tay.


Mở đầu là bốn tiểu thuyết lịch sử. Đọc về những thời kỳ đã qua của nhân loại để biết trân trọng sự hòa bình độc lập mà ta cho là đương nhiên. Lịch sử chúng ta thường được nghe, được học là về các anh hùng, chiến công, sự kiện và ngày tháng. Tuy vậy, phần quan trọng hơn cả của lịch sử lại nằm trong số phận của người đương thời. Bởi lẽ, lịch sử sẽ chẳng là gì nếu không có con người tạo ra nó. Qua những cuốn sách này, ta sẽ nghiệm ra loài người đã sống qua thời kỳ nào, đã trải qua hoàn cảnh như thế nào. Và bất luận điều gì ập xuống đầu họ, tình yêu luôn chiến thắng: tình yêu đẩy con người đến những nơi không ngờ đến và ban cho họ sức mạnh không tưởng nổi.


1. Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán



Tuổi thơ dữ dội là một trong những cuốn sách đầu tiên của mình. Đến bây giờ mình đã đọc đi đọc lại nó đến 5 hay 6 lần rồi, lần sau thấm thía hơn lần trước.


Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát ở Huế. Lời thoại của các nhân vật là giọng Huế, chân thật, mộc mạc và dễ thương.

Câu chuyện hé một góc nhìn vào chiến tranh Việt Nam, cho ta hiểu thế nào là chia cắt, đau thương, bi tráng, hy sinh. Tuy vậy, ta vẫn nhìn thấy nhiều hơn những viên ngọc sáng trong đám đất đá mịt mù khói lửa đạn bom. Đó là tình gia đình, tình đồng chí, tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc. Đó là can trường, thơ ngây, trung thành, đoàn kết. Thật đẹp khi thấy những người đồng bào đồng chí sẵn sàng khóc cười cùng nhau và tương trợ nhau trong hoàn cảnh hiểm nghèo.


Một lần nữa, đọc để thấm thía cái giá của hòa bình. Rằng đúng như bác Hồ đã nói, "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

Đây chính là cuốn sách khơi gợi niềm yêu tổ quốc trong lòng mình.


2 . Người đua diều - Khaled Hosseini




Cuốn sách dựa trên kỷ niệm tuổi thơ của tác giả và hồi ức về chiến tranh Afghanistan để dệt nên một thiên tiểu thuyết về tình bạn, máu mủ, xung đột, bất công, tội lỗi và chuộc tội. Tác giả đẩy cảm xúc của người đọc lên cao đến nghẹt thở và dẫn dắt ta qua bao chủ đề lịch sử, chiến tranh, tầng lớp xã hội và định kiến.

Mạch truyện dữ dội thật đấy nhưng phần đầu lại mở ra ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, yên bình gữa khung cảnh đồng quê của hai người bạn nối khố Amir - người kể chuyện - và Hassan. Ký ức về Hassan luôn ở góc nào đó trong tâm trí của Amir và sẵn sàng hiện lên từ góc sâu kín nhất bất cứ lúc nào.



Đọc Người đua diều để thấy quặn thắt, đau thương và cảm động, để thấy biết ơn những điều giản đơn, bởi sau này những điều giản đơn đó mới chính là điểm sáng trong ký ức của mình. Còn rất rất nhiều thông điệp được rút ra từ kiệt tác này, nhưng phần đó để bạn tự chiêm nghiệm và rút ra cho mình.



3. Túp lều bác Tôm - Harriet Beecher Stowe



Túp lều bác Tôm kể về cuộc sống của bác Tôm - một nô lệ da đen và những nô lệ xung quanh ông. Tác phẩm đã gây ra ảnh hưởng vang dội lên thái độ của người da trắng đối với nô lệ da đen và đặt nền móng cho cuộc nội chiến Mỹ. Cuốn sách đã hình thành nhận thức của mình về xã hội con người, về phân biệt chủng tộc, về sự tàn bạo của con người đối với chính đồng loại của mình.

Mình không thích từ phân biệt chủng tộc. Cụm từ đó không diễn tả hết được độ tàn khốc của chế độ nô lệ, một chế độ hoàn toàn vô nhân tính theo nghĩa đen: người da màu không được cho là con người; họ được cho là món hàng, là thú vật, không cảm xúc, vô tri vô giác.

Đọc rồi mới hiểu thế nào là không có gì quý hơn độc lập tự do.


4. Người giúp việc - Kathryn Stockett



Một phụ nữ da trắng kể lại cuộc đời làm giúp việc của những phụ nữ Mỹ Phi. Câu chuyện khắc họa cái hố sâu thăm thẳm ngăn cách chủng tộc da trắng - da đen ngay cả sau khi người da đen đã được giải phóng khỏi ách nô lệ đến 1 thế kỷ. Truyền tải thông điệp to lớn đó là những câu chuyện thường nhật của các phụ nữ giúp việc và những thiệt thòi họ phải chịu. Cách kể chuyện tài tình làm ta tin rằng đây đều là chuyện đời có thật - có hay không?

Những câu chuyện xâu chuỗi lại đã giúp mình hiểu về cái kỳ thị chủng tộc ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Mỹ và cách nó đặt ra nền tảng xã hội sau này.




5. Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata



Chiến binh cầu vồng nổi bật giữa 6 tác phẩm dữ dội khác trong danh sách với mạch truyện nhẹ nhàng lôi cuốn. Câu chuyện kể về mười đứa học trò - nhóm chiến binh cầu vồng - của thầy Harfan và cô Mus. Lồng ghép trong giọng văn trong trẻo thơ ngây là tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho sự học suốt đời của cả thầy cô và học trò. Bạn đọc sẽ nhận ra tác giả còn lên án tư bản chủ nghĩa thực dụng hóa mọi thứ và đẩy khác biệt giàu nghèo lên đến đỉnh điểm.



Mình đã viết một bài luận bàn về giáo dục dựa trên nội dung cuốn sách. Bạn có thể đọc ở đây nhé: https://nguyenthaihang.wixsite.com/hangnguyen/post/chi%E1%BA%BFn-binh-c%E1%BA%A7u-v%E1%BB%93ng-b%C3%A0n-v%E1%BB%81-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c


6. Không gia đình - Hector Malot



Không gia đình chắc chẳng cần giới thiệu nhiều. Tác phẩm kinh điển lấy đi bao nước mắt của độc giả. Ngay cả những người không có thói quen đọc sách cũng đã đọc và yêu thích cuốn sách này, hoặc chí ít cũng từng nghe tên. Ở thời điểm này mình không còn nhớ rõ diễn biến cuốn sách nhưng chắc chắn sẽ đọc lại vào một ngày không xa.










7. Số đỏ - Vũ Trọng Phụng



Thú thực là mình chưa đọc nhiều văn học Việt Nam và còn rất nhiều cuốn cần khám phá. Trong số mình đã đọc, bên cạnh Tuổi thơ dữ dội, nổi bật nhất là Số đỏ. Số đỏ, với lối văn trào phúng, vạch trần những đểu giả, nửa Tây nửa ta nửa nạc nửa mỡ thời Âu hóa của xã hội thành thị Việt Nam đương thời. Mọi trụy lạc, lố lăng, đồi bại nhân danh văn minh, tiến bộ đều bị Vũ Trọng Phụng đưa ra trước vành móng ngựa.

Các cụ ngày xưa viết truyện hay quá, con cháu theo mãi không kịp =)))




Mọi người tâm đắc với cuốn nào thì giới thiệu cho mình với nha. Mình luôn sẵn sàng cho một cuốn sách hay!




240 views0 comments

Để viết được một cảm nhận sách mà không tiết lộ diễn biến thật sự không dễ. Ở bài viết này, mình dựa vào nội dung của cuốn sách Chiến binh cầu vồng để đưa ra ý kiến cá nhân về giáo dục, về sự học suốt đời.


Chiến binh cầu vồng là một cuốn sách về cái đẹp bên trong cái tàn nhẫn, cái tàn nhẫn xen ngang cái đẹp.


Nội dung: Cuốn sách kể về mười cô cậu học trò cùng hai thầy cô giáo của ngôi trường xiêu vẹo Muhammadiyah trên hòn đảo Belitong giàu có nhất Indonesia. Cuốn sách dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời tác giả, được kể theo góc nhìn của Ikal. Phải đến lúc đọc hơn nửa cuốn sách rồi mình mới biết câu chuyện này là thật. Hoàn cảnh của các nhân vật khổ cực đến khó tin, nhưng phép màu chính họ tạo ra cũng kỳ diệu đến khó tin.


Xuyên suốt câu chuyện, thông điệp về sứ mệnh cao cả của giáo dục là nuôi dưỡng một tâm hồn sáng trong và cao đẹp vừa được khẳng định bằng lời vừa thầm lặng chạy xuyên suốt, như một mạch nước ngầm dẫn lối cốt truyện. Nhờ lý tưởng ấy xuất phát từ trái tim cao cả của thầy Harfan và cô Mus rồi len lỏi vào nhận thức của mỗi đứa học trò. Những tiết học của trường Muhammadiyah bao gồm lời giảng hùng hồn của thầy Harfan và bọn học trò ngồi dưới hớp lấy từng lời về lịch sử của tín ngưỡng, về tinh thần của dân tộc, về tinh hoa của khoa học. Quan tâm đến những giá trị cao hơn cơm áo gạo tiền thường ngày, tâm hồn của lũ học trò ngày một cao đẹp hơn và dần hướng đến chân, thiện, mỹ.


Chuyện đời của tác giả cũng là minh chứng cho sức mạnh của tự cường (Empowerment). Cuộc đời của những đứa trẻ nghèo ở đảo Belitong dường như đã được định sẵn từ khi lọt lòng. Chúng sẽ lớn lên như cha mẹ chúng, bần hàn, cơ cực, làm cu li, đánh cá, làm nông,... Số phận của chúng, tóm gọn lại là:

Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo

(Khuyết danh)

Cái chữ nghèo sẽ dai dẳng bám lấy số phận của chúng, sinh ra là trẻ nghèo, lớn lên là thanh niên nghèo, nữa là người nghèo, sau cùng là ông/bà cụ nghèo.

Cho đến khi thượng đế ban cho ngôi trường tồi tàn ấy hai thiên tài. Nhờ ước vọng cao cả của Lintang, bọn trẻ nhìn thấy những chân trời xa hơn. Mười khát khao tỏa sáng như ánh cầu vồng nâng chúng cao hơn những lam lũ bần hàn thường nhật. Khát vọng vẽ ra một viễn cảnh đẹp đẽ hơn, tách biệt với hiện thực mà chúng phải đối mặt ngày ngày. Viễn cảnh đó truyền thêm năng lượng cho chúng vượt mọi gian khổ để bám trường bám lớp. Cuối cùng, người dám mơ có thể đạt được ước mơ hoặc không, nhưng người không dám mơ từ đầu sẽ mãi mãi bị trói chặt vào hiện thực của họ.



Lintang tỏa ra sức mạnh của một ngọn đèn hải đăng. Nhờ có ước vọng chân chính của Lintang, bọn trẻ mới dám mơ tưởng đến một số phận tươi sáng hơn cho mình. Lý tưởng của Lintang soi rọi tâm tưởng của các bạn cùng lớp. Chúng ta hãy tập trung sự chú ý của mình vào những ngọn đèn hải đăng dẫn đường chỉ lối đó. Hãy nhìn họ như một nguồn cảm hứng - rằng mình cũng có thể làm được. Chính chúng ta hãy trở thành ngọn hải đăng ấy cho người khác. Hãy như Lintang - tài năng sáng chói nhưng luôn khiêm tốn nâng người khác lên cùng. Những người giỏi giang mà giữ cho mình sẽ bị người xung quanh nhìn nhận như một mối đe dọa. Lintang thì khác - cậu sẵn sàng san sẻ trí tuệ của mình cho mọi người nên ai cũng vỗ tay nhìn cậu tiến lên. Những ngọn đèn như Lintang sáng lên khi đại dương của giáo dục chìm trong đêm tối. Khi chúng ta lạc lối trong học tập, khi con thuyền thúng của ta chao đảo dưới những ngọn sóng mang tên áp lực cuộc sống, hãy hướng đến ngọn đèn, để nó dẫn lối ta ra khỏi bóng đêm.


Khung cảnh đẹp nhất truyện đối với mình là cảnh Lintang học bài trong đêm tối. Đêm tối nhưng trí tuệ và niềm hăng say của Lintang lại vụt sáng như một ngọn sao băng du ngoạn các hành tinh của tri thức. Những con chữ mà cậu ngấu nghiến giống như những cành củi thổi bùng lên ngọn lửa của sự tò mò. Ngọn lửa ấy là chốn ấm áp duy nhất giữa cuộc đời lạnh giá của cậu bé khốn khổ. Học tập là chốn xoa dịu tâm hồn. Đắm chìm vào sách trong tĩnh lặng là gạt sang một bên những lo toan ồn ào thường ngày.


Mình ấn tượng với cảnh đó như vậy chắc là do mình đã trải qua một khoảng thời gian như thế. Mình chưa từng ở trong hoàn cảnh sống của Lintang, nhưng sự đồng cảm không có nghĩa là bạn phải sống như họ; nó có nghĩa là bạn đã trải qua cảm giác đó, và cảm xúc thì ai cũng có cả. Trong khoảng thời gian tăm tối ấy, mình đã mặc kệ tất thảy và đắm chìm vào sách. Những trang giấy ôm mình vào lòng và dắt mình vào một không gian tĩnh lặng để vết thương được chữa lành. Lúc ấy thế giới trước mắt của mình bế tắc, nhưng thế giới mình đi qua lại phóng khoáng, tự do. Như vậy cũng là đủ rồi.


Chính Ikal cũng có một phương thuốc như vậy: cậu lẩn trốn vào ngôi làng văn chương. Ý nghĩa của văn chương được lồng ghép rất tinh tế, nhẹ nhàng vào mạch truyện. Những lúc tinh thần xuống dốc vô vọng, văn chương lại đưa tâm trí của cậu bay lên cao.


Cái phép màu kỳ diệu đến khó tin mình nhắc đến ở trên, chính là nói đến cách mười đứa học trò nhìn nhận sự học. Họ coi giáo dục chính nó là mục đích. Họ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được đến trường, ngay cả khi chông gai đến từ cả khó khăn bên ngoài cả cám dỗ vật chất bên trong.


Thật khó để tìm được tấm lòng trung thành với sự học như thế ngày nay. Bây giờ khi được hỏi học để làm chi, ta thường nghe: "Học để thi", "Học để kiếm việc", "Học để thăng tiến". Thật hiếm có ai trả lời: "Học để làm người tốt", "Học để thỏa mãn trí tò mò". Nếu chúng ta có nghĩ như số đông thì cũng không hoàn toàn là lỗi của ta. Chúng ta được dạy như thế. Chúng ta được xã hội lập trình cho tư duy theo hướng đó. Chúng ta quen nghe nói là học tập là quả đắng nhưng thành quả của nó thì ngọt. Chúng ta ít khi được gặp những người như thầy Harfan và cô Mus, cụ thể họ như thế nào thì hãy đọc sách để biết nhé.


Chắc chắn có nhiều môn học được dạy theo hướng luyện thi. Tâm thế của người dạy là luyện thi nên tâm thế của người học không thể là học để hiểu biết. Vì thế, việc học chỉ để được học nghe thật xa lạ đối với rất nhiều trong số chúng ta. Nếu không thể thay đổi xã hội, hãy thay đổi thái độ của mình. Hãy học với lòng say mê khám phá thế giới. Mình dù chưa đạt được đến cảnh giới đó nhưng đang cố gắng từng ngày. Không thích các môn học trên lớp, hãy tự tìm hiểu những chủ đề bạn thấy tò mò. Bạn sẽ không thể đoán đoán trước được điều gì sẽ truyền cảm hứng cho mình đây. Thời đại này có Internet muốn học gì cũng sẵn có cả. Càng học lại càng thấy biển học là vô tận.


Cá nhân mình, khi may mắn được học từ những thầy cô giảng bài với khao khát được truyền thụ kiến thức cho học sinh, cảm thấy vô cùng biết ơn. Không phải ai cũng có được tấm lòng đó. Khi gặp được người có tinh thần học hỏi và truyền thụ đó, hãy trân trọng họ. Những thầy Harfan, những cô Mus, những Lintang sẽ luôn ở đó để dẫn đường chỉ lối cho ta, cho những Ikal sẵn sàng mở lòng đón nhận.


Một nhà văn giỏi là người kể một câu chuyện làm người ta mê mẩn. Một nhà văn vĩ đại chính là thư ký của thời đại. Andrea Hirata đã làm tròn nhiệm vụ đó. Ông đã được đắm chìm trong nước thánh của tri thức. Nhưng ông cũng nhìn thẳng vào hiện thực của giáo dục hiện nay. Điều giết chết sự học không phải là những thế lực bạo tàn ngoài kia. Mục đích thực dụng mới làm mờ mắt người học và chặn đứng con đường tri thức.


Trước khi mở cuốn sách ra đọc, bạn hãy tạm thời quên đi những gì mình vừa viết. Cởi bỏ những đánh giá về cuốn sách để toàn tâm toàn ý cảm nhận câu chuyện. Đó cũng là tâm thế của mình khi viết bài này: thể hiện cảm nhận chứ không đưa ra đánh giá. Đánh giá nó như thế nào là phần của bạn.


130 views0 comments

Đối với mình, làm việc hiệu quả là đầu tư cho bản thân. Quãng thời gian nghỉ ở nhà lại chính là lúc thích hợp nhất để phát triển bản thân nếu bạn tạo ra những thói quen hiệu quả để tận dụng tối đa 24 giờ trong ngày. Đầu tư cho chính mình lại rất giống với việc trồng một cái cây. Bạn làm đất, gieo hạt, tưới nước rồi cần mẫn mỗi ngày chờ cây lớn dần lên.


Phần 1: Làm đất


1. Ngủ đủ

Hãy cho cơ thể và tâm trí bạn thời gian để phục hồi và tái tạo trước khi khởi đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng nhé. Thiếu ngủ thì đến ra khỏi giường còn không muốn chứ nói gì đến làm việc năng suất đúng không?


2. Nghi thức sáng sớm

Có một nghi thức buổi sáng sẽ là động lực cho bạn đón lấy ngày mới. Bạn biết có một điều gì đó đang chờ mình vào ngày hôm nay. Đó có thể là một cốc matcha latte tự pha, tưới mấy chậu cây trên bậu cửa sổ, một bữa sáng ngon lành hay tất cả những điều kể trên. Đây là lúc không có nhạc, không có màn hình, chỉ có bạn với suy nghĩ của chính mình. Tận dụng khoảng lặng đó để suy nghĩ về ngày hôm nay. Hôm nay bạn muốn thực hiện điều gì? Nghi thức của mình là giãn cơ nhẹ nhàng để cảm nhận và trân trọng cơ thể.

3. Không cầm điện thoại

Điện thoại tuyệt đối là vật nên tránh vào những thời khắc đầu tiên sau khi thức dậy. Vào sáng sớm, não bạn có rất nhiều serotonin - hormone hạnh phúc. Serotonin có vai trò mật thiết với cảm giác vui vẻ, khả năng tập trung và khả năng hoàn thành công việc. Khi sử dụng mạng xã hội thì lượng dopamine trong não tăng lên. Dopamine là hormone ham muốn, không chỉ làm bạn bị cuốn vào mạng xã hội mà còn làm suy giảm serotonin. Từ đó, dùng điện thoại vào sáng sớm sẽ triệt tiêu động lực làm việc có ích. Thay vào đó, bạn có thể thực hiện những nghi thức tự đặt ra cho mình.


3. Đời thay đổi khi ta thay đồ

Bình thường đi học đi làm bạn ăn mặc trang điểm chỉn chu như thế nào thì những ngày này hãy cứ làm như vậy. Vì sao ư? Bởi vì một bộ đồ tươm tất sẽ tạo cảm giác nghiêm túc. Não bạn sẽ nhận biết rằng hôm nay khác với mọi hôm, không còn mặc đồ ngủ nằm xem phim, không còn tóc tai bù xù lướt Facebook. Thật là một thay đổi nhỏ có thể thay đổi tâm thế cả một ngày của bạn. Đợt này ở nhà mình cứ thay đổi hoạt động là lại thay đồ: đồ tập, đồ làm việc, đồ ngủ. Mình làm vậy để phân chia rạch ròi, làm ra làm, chơi ra chơi.


4. Góc làm việc sạch sẽ và ngăn nắp

Không gian phải gọn gàng thì đầu óc mới tỉnh táo được. Lời khuyên này tuy nhiên cũng chỉ mang tính tương đối: Một số người phải để bàn làm việc bừa bộn mới có thể sáng tạo. Cá nhân mình thì ở trạng thái tốt nhất khi bàn học sạch sẽ, mặc dù thỉnh thoảng mới được vậy. Trước khi học tập hay dành ra 30 giây để sắp xếp lại bàn học nhé.


Phần 2: Gieo hạt


1. Tâm trạng vui vẻ

"Làm thế nào để học tốt? Chỉ cần lúc học bạn ở trong trạng thái vui vẻ."

Nếu lúc bắt đầu học bạn cảm thấy vui vẻ thì việc học sẽ rất mượt mà suôn sẻ. Nếu bạn dừng lại ở điểm mà bạn nghĩ là mình còn có thể làm tiếp thì hãy dừng lại. Như vậy bạn sẽ hăng hái bắt đầu học tập hơn vào ngày tiếp theo. Đây là bí quyết viết lách bền bỉ suốt mấy chục năm của nhà văn Haruki Murakami.

Lý do chính mà chúng ta trì hoãn một việc không phải là do lười mà do cảm giác gắn với công việc đó là tiêu cực. Chúng ta thực ra không lẩn tránh vì việc đó khó khăn mà vì chúng ta ngại cảm giác khó chịu gắn liền với nó. Muốn thay đổi điều này, hãy thay đổi cách tiếp cận của mình. Vì vậy mà mình không thể nhấn mạnh hơn bước "Làm đất". Trước khi làm việc hãy bật một bài hát làm bạn thấy vui, hãy nghĩ về những điều đáng yêu trong ngày để lấy cảm hứng nhé.


2. Chủ đề ngày hôm nay là gì?

Hôm nay bạn muốn đạt được điều gì? Hôm nay bạn muốn tập trung vào khía cạnh nào của cuộc sống? Đây là vài chủ đề mỗi ngày của mình trong tuần qua:

Học thứ gì đó mới

Khả năng sáng tạo

Nâng cao năng lượng của mình

Thử làm một điều khác lạ

Làm bánh

Nhờ những chủ đề này mà một ngày của mình có định hướng hơn hẳn. Lúc nào ngồi không chẳng biết làm gì, mình lại đối chiếu bản thân với chủ đề và đi theo kim chỉ nam đó. Ví dụ khi chủ đề là học thứ gì đó mới, buổi tối mình sẽ xem SciShow Psych thay vì lướt Youtube một cách vô thức đến lúc đi ngủ. Một chủ đề được đặt ra vào sáng sớm sẽ nhắc nhở bạn về mục đích của ngày hôm nay.


2. Lên kế hoạch một ngày

Bước 1: Ghi ra tất cả những việc cần làm ra một mảnh giấy

Bước 2: Chọn ra 3 việc ưu tiên thực hiện và xác định khoảng thời gian để làm việc đó. Hãy làm những việc đó đầu tiên, khi mà bạn còn nhiều *serotonin* năng lượng.

Bước 3: Để việc phụ vào danh sách chờ. Nếu xong việc hôm nay rồi mà còn thời gian thì hẵng xử lý.

Bước 4: Với những việc phức tạp, cần nhiều thời gian, hãy chia nhỏ đầu việc ra. Đây gọi là phương pháp danh sách - The checklist method - bí quyết xử lý bất kỳ việc lớn nào. Khi nhìn một đầu việc lớn, ví dụ viết một bài đăng, các bước có thể là: viết dàn ý, viết mục 1&2, viết mục 3&4, chỉnh sửa, đăng bài. Khoảnh khắc đánh dấu từng mục đã xong sẽ cho bạn thêm động lực làm tuần tự đến khi hoàn thành.


2. Làm việc quan trọng nhất đầu tiên

Ngày mới là lúc bạn có nhiều năng lượng (will power), nên tận dụng để giải quyết công việc lớn nhất. Xong được việc đó rồi là không còn áp lực lơ lửng trên đầu suốt cả ngày nữa. Mình nhận thấy khi xử lý việc khó nhằn vào sáng sớm thì tinh thần của mình sẵn sàng đón nhận nó hơn. Càng để đến cuối ngày càng dễ ì ạch và trì hoãn đó.


4. Đặt ra nguyên tắc ở góc làm việc

Góc làm việc của bạn nên tạo cảm giác của học tập, của công việc. Cảm giác xao nhãng, thả lỏng không nên gắn liền với không gian này. Vì thế, nó nên tránh xa giường ngủ nhất có thể. Nếu có thể học bài ở phòng khác thì tốt, nhưng nếu không thì ít ra đừng làm việc trên giường nhé. Một điểm quan trọng nữa là hãy đặt ra quy luật ở góc làm việc. Với mình đó là không dùng điện thoại ở bàn học. Nếu muốn dùng, mình phải ra khỏi bàn để bước lại giường; nhưng thường mình quá lười để di chuyển nên cũng bỏ được tật cầm điện thoại trong vô thức.


Phần 3: Tưới nước


1. Nghỉ ngơi

Sau khi làm việc xong hãy để cơ thể và tâm trí nghỉ ngơi. Có thể đó là chuyển qua một công việc khác nhẹ nhàng hơn hay làm một việc bạn thật sự thích như quay video, chỉnh ảnh, bullet journal, vẽ vời,... Hãy làm rõ với chính mình trước khi làm việc rằng nếu tập trung hoàn thành công việc, mình sẽ nhận được phần thưởng. Càng bắt đầu sớm và hoàn thành sớm thì phần thưởng đến càng nhanh.


2. Làm một điều mới

Để giữ được nhiệt huyết, hãy thử làm một điều mới mỗi ngày. Đó sẽ là những âm sắc khác lạ khơi dậy nguồn năng lượng sáng tạo vô biên của bạn. Bạn thích vẽ thì có thể thử một trường phái hội họa mới. Hoặc bạn có thể làm một điều khác hẳn, ví dụ như làm bánh để tham gia chuyên mục của Ngọt nè. Link tham gia ở đây nhé: https://forms.gle/iQM54EsX4ZkUBhaT7

105 views1 comment
notion.png

I wrote down everything that helped me immensely in the process of applying for US colleges. 

Here I want to quote Justin: the layperson takes 5 seconds to look at Michelangelo's David but still knows it's a masterpiece by a genius mastermind. You should have the same approach with writing essays. 

NEWSLETTER

Thanks for submitting!

Proudly created by Hang Nguyen, wanting to help all the learners out there.

bottom of page