top of page

Chiến binh cầu vồng: Bàn về giáo dục

Writer's picture: Hang NguyenHang Nguyen

Để viết được một cảm nhận sách mà không tiết lộ diễn biến thật sự không dễ. Ở bài viết này, mình dựa vào nội dung của cuốn sách Chiến binh cầu vồng để đưa ra ý kiến cá nhân về giáo dục, về sự học suốt đời.


Chiến binh cầu vồng là một cuốn sách về cái đẹp bên trong cái tàn nhẫn, cái tàn nhẫn xen ngang cái đẹp.


Nội dung: Cuốn sách kể về mười cô cậu học trò cùng hai thầy cô giáo của ngôi trường xiêu vẹo Muhammadiyah trên hòn đảo Belitong giàu có nhất Indonesia. Cuốn sách dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời tác giả, được kể theo góc nhìn của Ikal. Phải đến lúc đọc hơn nửa cuốn sách rồi mình mới biết câu chuyện này là thật. Hoàn cảnh của các nhân vật khổ cực đến khó tin, nhưng phép màu chính họ tạo ra cũng kỳ diệu đến khó tin.


Xuyên suốt câu chuyện, thông điệp về sứ mệnh cao cả của giáo dục là nuôi dưỡng một tâm hồn sáng trong và cao đẹp vừa được khẳng định bằng lời vừa thầm lặng chạy xuyên suốt, như một mạch nước ngầm dẫn lối cốt truyện. Nhờ lý tưởng ấy xuất phát từ trái tim cao cả của thầy Harfan và cô Mus rồi len lỏi vào nhận thức của mỗi đứa học trò. Những tiết học của trường Muhammadiyah bao gồm lời giảng hùng hồn của thầy Harfan và bọn học trò ngồi dưới hớp lấy từng lời về lịch sử của tín ngưỡng, về tinh thần của dân tộc, về tinh hoa của khoa học. Quan tâm đến những giá trị cao hơn cơm áo gạo tiền thường ngày, tâm hồn của lũ học trò ngày một cao đẹp hơn và dần hướng đến chân, thiện, mỹ.


Chuyện đời của tác giả cũng là minh chứng cho sức mạnh của tự cường (Empowerment). Cuộc đời của những đứa trẻ nghèo ở đảo Belitong dường như đã được định sẵn từ khi lọt lòng. Chúng sẽ lớn lên như cha mẹ chúng, bần hàn, cơ cực, làm cu li, đánh cá, làm nông,... Số phận của chúng, tóm gọn lại là:

Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo

(Khuyết danh)

Cái chữ nghèo sẽ dai dẳng bám lấy số phận của chúng, sinh ra là trẻ nghèo, lớn lên là thanh niên nghèo, nữa là người nghèo, sau cùng là ông/bà cụ nghèo.

Cho đến khi thượng đế ban cho ngôi trường tồi tàn ấy hai thiên tài. Nhờ ước vọng cao cả của Lintang, bọn trẻ nhìn thấy những chân trời xa hơn. Mười khát khao tỏa sáng như ánh cầu vồng nâng chúng cao hơn những lam lũ bần hàn thường nhật. Khát vọng vẽ ra một viễn cảnh đẹp đẽ hơn, tách biệt với hiện thực mà chúng phải đối mặt ngày ngày. Viễn cảnh đó truyền thêm năng lượng cho chúng vượt mọi gian khổ để bám trường bám lớp. Cuối cùng, người dám mơ có thể đạt được ước mơ hoặc không, nhưng người không dám mơ từ đầu sẽ mãi mãi bị trói chặt vào hiện thực của họ.



Lintang tỏa ra sức mạnh của một ngọn đèn hải đăng. Nhờ có ước vọng chân chính của Lintang, bọn trẻ mới dám mơ tưởng đến một số phận tươi sáng hơn cho mình. Lý tưởng của Lintang soi rọi tâm tưởng của các bạn cùng lớp. Chúng ta hãy tập trung sự chú ý của mình vào những ngọn đèn hải đăng dẫn đường chỉ lối đó. Hãy nhìn họ như một nguồn cảm hứng - rằng mình cũng có thể làm được. Chính chúng ta hãy trở thành ngọn hải đăng ấy cho người khác. Hãy như Lintang - tài năng sáng chói nhưng luôn khiêm tốn nâng người khác lên cùng. Những người giỏi giang mà giữ cho mình sẽ bị người xung quanh nhìn nhận như một mối đe dọa. Lintang thì khác - cậu sẵn sàng san sẻ trí tuệ của mình cho mọi người nên ai cũng vỗ tay nhìn cậu tiến lên. Những ngọn đèn như Lintang sáng lên khi đại dương của giáo dục chìm trong đêm tối. Khi chúng ta lạc lối trong học tập, khi con thuyền thúng của ta chao đảo dưới những ngọn sóng mang tên áp lực cuộc sống, hãy hướng đến ngọn đèn, để nó dẫn lối ta ra khỏi bóng đêm.


Khung cảnh đẹp nhất truyện đối với mình là cảnh Lintang học bài trong đêm tối. Đêm tối nhưng trí tuệ và niềm hăng say của Lintang lại vụt sáng như một ngọn sao băng du ngoạn các hành tinh của tri thức. Những con chữ mà cậu ngấu nghiến giống như những cành củi thổi bùng lên ngọn lửa của sự tò mò. Ngọn lửa ấy là chốn ấm áp duy nhất giữa cuộc đời lạnh giá của cậu bé khốn khổ. Học tập là chốn xoa dịu tâm hồn. Đắm chìm vào sách trong tĩnh lặng là gạt sang một bên những lo toan ồn ào thường ngày.


Mình ấn tượng với cảnh đó như vậy chắc là do mình đã trải qua một khoảng thời gian như thế. Mình chưa từng ở trong hoàn cảnh sống của Lintang, nhưng sự đồng cảm không có nghĩa là bạn phải sống như họ; nó có nghĩa là bạn đã trải qua cảm giác đó, và cảm xúc thì ai cũng có cả. Trong khoảng thời gian tăm tối ấy, mình đã mặc kệ tất thảy và đắm chìm vào sách. Những trang giấy ôm mình vào lòng và dắt mình vào một không gian tĩnh lặng để vết thương được chữa lành. Lúc ấy thế giới trước mắt của mình bế tắc, nhưng thế giới mình đi qua lại phóng khoáng, tự do. Như vậy cũng là đủ rồi.


Chính Ikal cũng có một phương thuốc như vậy: cậu lẩn trốn vào ngôi làng văn chương. Ý nghĩa của văn chương được lồng ghép rất tinh tế, nhẹ nhàng vào mạch truyện. Những lúc tinh thần xuống dốc vô vọng, văn chương lại đưa tâm trí của cậu bay lên cao.


Cái phép màu kỳ diệu đến khó tin mình nhắc đến ở trên, chính là nói đến cách mười đứa học trò nhìn nhận sự học. Họ coi giáo dục chính nó là mục đích. Họ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được đến trường, ngay cả khi chông gai đến từ cả khó khăn bên ngoài cả cám dỗ vật chất bên trong.


Thật khó để tìm được tấm lòng trung thành với sự học như thế ngày nay. Bây giờ khi được hỏi học để làm chi, ta thường nghe: "Học để thi", "Học để kiếm việc", "Học để thăng tiến". Thật hiếm có ai trả lời: "Học để làm người tốt", "Học để thỏa mãn trí tò mò". Nếu chúng ta có nghĩ như số đông thì cũng không hoàn toàn là lỗi của ta. Chúng ta được dạy như thế. Chúng ta được xã hội lập trình cho tư duy theo hướng đó. Chúng ta quen nghe nói là học tập là quả đắng nhưng thành quả của nó thì ngọt. Chúng ta ít khi được gặp những người như thầy Harfan và cô Mus, cụ thể họ như thế nào thì hãy đọc sách để biết nhé.


Chắc chắn có nhiều môn học được dạy theo hướng luyện thi. Tâm thế của người dạy là luyện thi nên tâm thế của người học không thể là học để hiểu biết. Vì thế, việc học chỉ để được học nghe thật xa lạ đối với rất nhiều trong số chúng ta. Nếu không thể thay đổi xã hội, hãy thay đổi thái độ của mình. Hãy học với lòng say mê khám phá thế giới. Mình dù chưa đạt được đến cảnh giới đó nhưng đang cố gắng từng ngày. Không thích các môn học trên lớp, hãy tự tìm hiểu những chủ đề bạn thấy tò mò. Bạn sẽ không thể đoán đoán trước được điều gì sẽ truyền cảm hứng cho mình đây. Thời đại này có Internet muốn học gì cũng sẵn có cả. Càng học lại càng thấy biển học là vô tận.


Cá nhân mình, khi may mắn được học từ những thầy cô giảng bài với khao khát được truyền thụ kiến thức cho học sinh, cảm thấy vô cùng biết ơn. Không phải ai cũng có được tấm lòng đó. Khi gặp được người có tinh thần học hỏi và truyền thụ đó, hãy trân trọng họ. Những thầy Harfan, những cô Mus, những Lintang sẽ luôn ở đó để dẫn đường chỉ lối cho ta, cho những Ikal sẵn sàng mở lòng đón nhận.


Một nhà văn giỏi là người kể một câu chuyện làm người ta mê mẩn. Một nhà văn vĩ đại chính là thư ký của thời đại. Andrea Hirata đã làm tròn nhiệm vụ đó. Ông đã được đắm chìm trong nước thánh của tri thức. Nhưng ông cũng nhìn thẳng vào hiện thực của giáo dục hiện nay. Điều giết chết sự học không phải là những thế lực bạo tàn ngoài kia. Mục đích thực dụng mới làm mờ mắt người học và chặn đứng con đường tri thức.


Trước khi mở cuốn sách ra đọc, bạn hãy tạm thời quên đi những gì mình vừa viết. Cởi bỏ những đánh giá về cuốn sách để toàn tâm toàn ý cảm nhận câu chuyện. Đó cũng là tâm thế của mình khi viết bài này: thể hiện cảm nhận chứ không đưa ra đánh giá. Đánh giá nó như thế nào là phần của bạn.


130 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios


NEWSLETTER

Thanks for submitting!

Proudly created by Hang Nguyen, wanting to help all the learners out there.

bottom of page