gửi Lian,
Tớ dường như đã tạo được ấn tượng với các bạn trong trường là người cầm máy đi chụp. Sự kiện nào cũng có ống kính của tớ. Thỉnh thoảng chị cùng phòng mình lại nhờ tớ làm một photoshoot rồi đăng instagram nên chắc cũng từ đó nhiều người biết tớ chụp ảnh hơn. Có người biết thì cũng có người nhờ. Lâu lâu tớ nháy dạo cho các bạn vài tấm nếu sẵn máy. Lại nhớ có hôm có bạn nhờ quay nguyên một video quảng bá đến tối mịt sau ngày học 5 ca. Rồi trong một hội mà tớ là đứa chụp thì cũng có nghĩa là tớ ít ảnh nhất nhóm, vớ được ai chụp cho mà họ chụp được là mừng lắm.
Nhưng mà lý do tớ viết bài hôm nay thì khác.
Người cầm máy thì hay đụng lắm thứ bất ngờ để ghi lại. Ba hôm trước có bạn ở đội gây quỹ hỏi nhờ tớ quay video hộ vì mọi người trong đội về hết rồi. Đội bạn gây quỹ cho bác thủ thư Sankar. Bác ấy có hai đứa con trai bị bại não (Cerebral Palsy - ảnh hưởng khả năng vận động, giữ thăng bằng và tư thế). Tám năm trước có một cựu học sinh đã gây quỹ mua xe lăn cho hai đứa nhưng giờ xe lăn đã quá nhỏ. Thì tớ đi. Hai đứa nhỏ lớn quá khổ so với chiếc xe lăn, bị thành ghế ép vào hai bên sườn. Em bé lớn rất thích được chụp ảnh, mình giơ máy là em lại cười hồn nhiên. Chân em thường bị rơi ra ngoài thành xe và đầu nghẹo xuống một bên, mẹ em phải chỉnh liên tục. Kỳ thực tớ thấy rất kỳ khi chĩa ống kính vào mặt em, mặc dù nhà em cho phép và em cũng rất vui. Tớ cảm tưởng như mình đã xâm phạm vào điều gì đó rất thiêng liêng của con người. Tớ rất sợ khi ống kính của tớ đối xử với con người như một vật thể để ngắm nghía soi mói chỉ trỏ. Cảm giác đó thoáng qua không lâu vì tớ nhận ra nụ cười của em thật đẹp, mặc dù bại liệt nhưng nụ cười của em vẫn thật trong sáng, và nhiệm vụ của tớ là phải ghi lại khoảnh khắc đẹp đẽ đó.
![](https://static.wixstatic.com/media/f1f4ed_730302158f134e99af9e52f7425f0892~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/f1f4ed_730302158f134e99af9e52f7425f0892~mv2.jpg)
ấy tớ lại nhận ra. Thường khi thể hiện hình ảnh hoàn cảnh khó khăn, người ta thường cho thấy sự buồn khổ để tạo sự thương tâm, xót xa. Nhưng mặt trái của điều đó là người thường nhìn vào những hoàn cảnh đó chỉ thấy thương cảm, thậm chí là thương hại, chứ không nhận ra họ cũng là con người có niềm vui trong cuộc sống chứ. Chắc nhiều khi họ chỉ muốn được đối xử như người bình thường, không phải những cái nhìn tránh né, những nụ cười cảm thông. Chắc nhiều khi họ chỉ muốn được nhìn thấu vẻ bên ngoài để chia sẻ thế giới nội tâm bên trong và để được thực sự thấu hiểu. Vậy nên, nếu có thể, vừa hiểu cho hoàn cảnh của họ, nhưng cũng nhìn vào họ như một con người, có tối có sáng, có trắng có đen, và tất nhiên là cũng rất đáng trân trọng.
Tớ hay thấy vợ chồng bác Sankar ngày ngày đẩy xe lăn đi dạo. Vợ chồng bác đẩy xe qua bãi cỏ kế hồ bơi rồi ngồi thiền. Bác Sankar cũng thường gặp tớ ở thư viện, ôm hết cuốn này đến cuốn khác mà không thấy trả (vì tớ mượn chứ đọc không xong). Lúc nào tớ chậm gia hạn kì mượn thì bác chỉ nhắc. Có hôm đến giờ đóng cửa tớ vẫn ở đó, bác nhẹ nhàng nhắc qua thứ hai lại đến, rồi chỉ cho tớ đống sách học sinh năm hai để lại ở bên ngoài, lấy thoải mái.
![](https://static.wixstatic.com/media/f1f4ed_f803d4571f9d438caec47f218a317c25~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/f1f4ed_f803d4571f9d438caec47f218a317c25~mv2.jpg)
chuyện hôm nay chỉ có thế thôi Lian à, thứ lỗi vì tớ lại viết ngắn đến thế thôi, mong là cậu sẽ thích