top of page

Hè năm lớp 6, mẹ cho tớ ra Hà Nội học Tiếng Anh. Trình độ tớ được test vào đã dư học viên, còn trình độ ở trên tớ thì vừa kín lớp. Mẹ tớ làm đủ cách cho tớ vào học lớp trình độ trên, may vẫn được nên tớ ôm sách đi học. Vào lớp buổi đầu có trò giới thiệu bản thân theo vòng rồi người tiếp theo phải nhắc lại tên những người trước đó theo thứ tự. Khổ nỗi, tớ ở đầu bên kia của vòng nên phải nhắc lại tên tất cả mọi người trong lớp. Lúc đến lượt mình, tớ run đến mức chỉ lo nhắc lại tên từng người mà quên mất cả nói tên mình, chỉ thấy các bạn nhăn răng cười. Đến bây giờ giới thiệu bản thân, tớ vẫn phải tập dượt cả chục lần trong đầu mới nói.


Tớ nhận sách từ cô, mở ra thấy toàn những bài đọc thật dài, mà có vẻ các bạn và anh chị xung quanh đều hiểu hết để chơi trò chơi. Lúc ở nhà chỉ có trò chơi từ vựng với flashcard hay đập búa lên bảng, sách cũng toàn hội thoại với Jenny và Kate nên nhiều lúc tớ chả hiểu mình phải làm gì với mọi người đây. Thế là tớ về học. Lúc đó tớ cũng không nghĩ mình phải nỗ lực học giỏi gì đâu, tớ chỉ thấy cần phải biết những cái này, vì mọi thứ như là ẩn số. Tớ ở với một chị chuyên Anh nên chị mua sách ngữ pháp của Raymond Murphy cho tớ học rồi làm. Làm cho được bài tập về nhà rồi thì tớ giở bài mới ra tra hết từ, đọc hết bài trước khi đi học. Buổi nào mà không lên lớp thì tớ vào thư viện của trung tâm, lấy tài liệu tiếng Anh có đĩa ra bỏ đài nghe. Tớ cũng không nhớ mình có hiểu người ta nói gì không, chỉ lấy bút ra chép được từ nào hay từ đó. Trong tất cả các thể loại học tiếng Anh, chép chính tả chắc là gây nhiều đau khổ nhất =)))) nhưng mà nó hiệu quả thật. Tớ tưởng đã lâu không nhắc đến thì quên rồi, nhưng hôm nay ngồi xuống kể lại tớ vẫn nhớ quyển sách màu mè đó, tờ giấy mượt mà thơm tho đó, chỗ ngồi trong lớp đó, hàng từ vựng được highlight đó, cái góc trong thư viện đó, cả cái căn tin bán cơm suất nữa.


Trong lớp có chị ngồi cạnh tớ và tớ là im lặng thôi. Hai chị em cùng mê Harry Potter, cùng gù (giờ hết rồi hihi) và cùng thích đọc sách. Chị ấy cực kỳ thông minh, và tớ thấy may mắn vì có chị làm bạn lúc lạc lõng ở thành phố. Lúc từ nhà ra Hà Nội học tớ cũng đi với vài bạn nữa. Buổi tối các bạn thường tụ tập chơi bài nhưng tớ quá nhiều thứ phải học nên không thể chơi chung. Tớ cũng từng bị nói là mọt sách, là học nhiều, là chỉ biết học, tớ cũng từng tự ti vì mình không giao lưu xã hội tốt như các bạn, nhưng sau này nhìn lại tớ cảm thấy công sức bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.


Trong cuốn sách Outliers (Những kẻ xuất chúng), Malcolm Gladwell có nói rằng một sự khác biệt nhỏ trong cơ hội có thể đem đến kết quả hoàn toàn khác. Có thể ban đầu nếu tớ không với lên một chút thì có thể đã không đạt giải tỉnh, có thể đã không đậu chuyên Anh, có thể đã không vào đội dự tuyển, có thể đã không được gặp những người bạn, những thầy cô mà tớ may mắn có được. Nhưng những cái đó đến sau, lý thuyết xã hội học vậy thôi chứ hiện tại, mình cứ với lên một chút, rồi lại biết thêm một từ mới, đọc được thêm một trang sách, viết được thêm một dòng, rồi vũ trụ sẽ hồi đáp.


Tớ nghĩ, để biết, để hiểu là một động lực to lớn. Mình chưa biết cái này thì mình tìm hiểu cho ra. Mình chưa làm được cái này thì mình học hỏi để làm. Không có gì là khó cả. Cái hay là khi mình chỉ tập trung giải được câu đố trước mắt thì mình bớt quan tâm lại người bên cạnh đang làm đến đâu rồi, viết sang mặt thứ bao nhiêu. Mình cứ tiến lên, làm việc của mình cho tốt, rồi vũ trụ sẽ sắp xếp mọi thứ hoàn chỉnh. Còn việc của tớ bây giờ, là viết xong bài này, vì tớ hay viết nửa rồi bỏ quên quá.


Gần hết rồi đó. Mong là sau bài này, cậu sẽ thêm vững tin vào những gì mình đang làm, khám phá được thật nhiều thứ hay ho, gặp được nhiều bạn tốt trên hành trình và tiến lên từng bước từng ngày nhé. Còn tớ mong sau bài này, khả năng viết của tớ sẽ lại tốt lên một chút, viết quen tay hơn, và câu chuyện của tớ sẽ được chạm tới cậu nhiều hơn.


123 views0 comments

Sáng nay trời vào đầu thu lành lạnh tớ nhớ đồ ăn Việt da diết. Sáng Chủ Nhật mở mắt ra là sèm bát súp lươn đậm đà cay nóng, tiếp nối là bán bún bò Huế thơm phức, kể thôi là ứa nước miếng rồi. Chủ Nhật 10:30 căn tin mới mở nên bụng tớ bị hành đến lúc đó. Cái trớ trêu của sự sèm là có ăn bao nhiêu món khác cũng không hả dạ. Bụng tớ thì no rồi nhưng lòng tớ đang nhớ về một món ăn xa xôi cách mấy nghìn cây số. Tớ đang vừa ăn vừa tâm hồn vắt ngược bát bún Huế thì thầy dạy Văn qua ngồi với tớ. Thầy tớ đến Việt Nam nhiều lần rồi, cũng trót yêu món Việt nên cơn sèm được thể nhân đôi. Thầy hỏi tớ về bún chả mà như trúng tim đen của tớ. Từ đó là bao nhiêu bánh mì pa tê, cà phê trứng, xôi giò tuôn ra từ trí nhớ. Nhắc đến phở là thầy tớ nhăn trán, dụi hai mắt trong đau đớn rồi nhìn xa xăm như nhớ về người yêu cũ còn thương. Đấy các bạn ạ, tâm hồn ăn uống nặng lòng với ẩm thực cũng không khác gì làm kẻ si tình, được thưởng thức thì một bước lên mây, bị xa cách thì quỵ lụy khổ sở.


Hiếm thấy có nền ẩm thực nào mà vừa đậm đà hương vị, vừa hài hòa, lại thanh tao như đồ Việt, theo những gì tớ đã có phước được nếm. Món Tây thì như bác Nguyễn Tuân nói là theo trường phái lập thể, mỗi hình khối lại đi riêng chứ không ăn nhập với nhau. Món Nhật thì thanh tao mà thiếu cái đậm đà. Món Ấn thì đậm đà hương vị mà ít có thanh tao hài hòa. Cơ mà 3 cái đó vẫn chưa đủ, vẫn cần một nhân tố lay động lòng người, tớ xin gọi là độ đằm và độ sắc.


Đêm nay trời mưa lạnh tớ giở bài này ra viết tiếp. Mấy hôm rồi hết năm học nên trường tớ phục vụ đồ ăn mùa hè rất đơn sơ, hầu như chả có gì mà bữa nào cũng như nhau. Tớ đi bộ đến căn tin mà trong lòng chỉ sèm một bát cơm sườn rim mặn ngọt nóng hôi hổi, mà phải là sườn mẹ nấu cơ. Giờ mà có đây chắc tớ xơi hết năm bát, chan thêm miếng canh rau vặt riêu cua nữa... chà. Hay thật, cái lúc nhớ nhà nhất thì chỉ thèm miếng cơm miếng thịt miếng canh rau, nói một món lại nhớ đến món thứ hai, thứ ba, rồi cả những người ngồi trên mâm cơm, rồi thanh âm dịu dàng. Có tiếng đũa lạch cạch của bố, cái chân gác của mẹ, có anh Công chơi gây, có nụ cười chị Nhung, có Huyền My bị ép ăn. Tớ mà về chắc cũng có Chi nữa. Tớ cũng không hẳn là nhớ nhà đâu, nhưng mà món Việt là yếu điểm của tớ. Vậy mà hôm trước tớ còn định không về hè nữa, vì cách ly nhiều tuần mà nghỉ hè được ít quá, nghĩ lại thấy mình hơi vớ vẩn. Sao mà sống liên tục một năm sáu tháng không được nếm đồ ăn nhà chuẩn vị được chớ.


Tớ nghĩ khi người ta nhớ đồ ăn thì chính là nhớ cái cảm giác ấm cúng, an toàn, bảo bọc, cái kỉ niệm gắn với từng người. Phim Ghibli tớ chưa coi nhiều nhưng tớ thấy đồ ăn được miêu tả chân thực để thể hiện hoàn cảnh, tâm trạng, cảm xúc, tính cách của nhân vật rất hiệu quả. Cậu muốn hiểu thêm thì tớ để link video ở dưới. Tớ là kiểu miếng ngon nhớ lâu, nhớ luôn cả người cho ăn. Tớ cũng có thể bắt đầu thích một món nào đó chỉ vì một người. Hồi cách ly trong khách sạn chỉ ăn toàn cơm với dal (là món súp đậu - thành phần chính mọi bữa ăn ở Ấn) đến ngán luôn nên vào trường là tớ tránh xa món đó. Thế mà bạn tớ người Bangladesh bảo cơm với dal là món ăn gia đình của bạn ấy, chỉ cần ăn là ấm bụng ấm cả lòng, chỉ thế thôi mà tớ dần yêu món đó, coi như mình chia sẻ chút hơi ấm gia đình. Rồi câu chuyện mì gói. Ở trường tớ thì mốt nhất là mì indomie - từ Indonesia - với mì maggie - quê Ấn Độ. Mì indomie thì ban đầu chủ yếu tụi Đông Nam Á ăn sau lan ra cả tụi học sinh quốc tế lẫn tụi Nam Á. Mì maggie thì là truyền thống lâu đời của MUWCI rồi. Ban đầu vì là dân ĐNA chính gốc nên tớ chỉ ăn indomie, cho đến khi chị bạn tớ nấu cho tớ maggie vào một ngày tớ thật buồn. Mì masala hơi ngập nước, nóng hổi, ăn luôn trên chảo, còn không có cả trứng, mà tớ thấy ấm thấy ngon hơn bất kì món gì. Từ bận ấy tớ bắt đầu biết yêu cái vị masala đậm đà cay nồng của mì maggi, rồi lại thấy ấm lòng hơn một chút mỗi khi ăn một mình ở trong góc phòng. Sau này nấu quen thì tớ làm được mì xào ngon hơn, nhưng chẳng thể nào quên được cái mì ngập nước ấm áp đêm hôm ấy, có người đón tớ vào lòng và nấu cho tớ ăn khi tớ cần nhất.


Tớ muốn viết thêm lắm, nhưng viết dài thêm chắc tớ không cầm nổi.


Vậy nên cậu à, cậu có đọc bài này, có thương bài này, thì ăn cơm nhà giùm tớ với nhé. Lúc ăn cậu hãy nhớ đến tớ. Hoặc tốt hơn cả, hãy nghĩ đến chính cậu sau này, rồi giữ cái món đó trong tim để đi muôn nơi không quên mình là ai nhé.




52 views0 comments

Updated: May 15, 2021

(bài viết từ tháng trước giờ mới đăng)


Hồi bé đến giờ tớ rất cứng đầu, đã muốn cái gì là phải thực hiện cho bằng được, và cuối cùng thì được thật. Như vậy cũng hay, vì tớ làm gì là nghiêm túc, toàn tâm toàn ý làm cho được thì thôi. Nhờ đó nên tớ xây dựng được một niềm tin rằng chỉ cần nỗ lực thì sẽ thành toàn.


Ấy mà cưỡi ngựa hăng quá mà ngã ngựa thì cũng đau. Vì giữ cái niềm tin đủ muốn là được nên tớ rất khó chấp nhận khi chuyện không như ý muốn, không khéo là mất hết ý chí và muốn tung hê tất cả. Nói thực, tớ chưa học được cách chấp nhận và vượt lên thất bại.


Mấy tháng qua rất nhiều thứ xảy ra buộc tớ phải làm hòa với thất bại. Trong các môn ở đây thì môn tớ chắc tay nhất là toán. Tớ tự tin thế nào cũng được 7/7 nên giúp bạn cùng lớp ôn lại cả chương. Kết quả thì cả 2 đứa đều được 6/7. Đến bài kiểm tra sau tớ dạy một bạn nữa học lại từ đầu. Kết quả là bạn được 6/7 còn tớ được 5. Khó tin thật, từ hôm đó đến giờ tớ không động lại đến toán. Không biết cách thất bại thì thành công cũng như lâu đài cát mong manh, rút cái là đổ, mà đổ là đổ nát.


Mà tại sao vậy? Thất bại thì mình đâm sợ cái mình đang phải đương đầu. Mà sao sợ? Sợ vì cái tôi nghĩ mình là ghê gớm lắm. Cái tôi không chấp nhận được mình sẽ mắc lỗi, mình sẽ không được như kỳ vọng của người khác, mình không phải trung tâm của vũ trụ. Nhưng mà mình sẽ phạm sai lầm, đời mình sẽ có lúc lên lúc xuống. Nhưng mà cũng chẳng sao, vì thực là cái lúc xuống đó mới là cái lúc mình học được nhiều nhất, để bật lên lần nữa, cái sai đó mới là chỗ cho mình hoàn thiện. Điểm yếu của mình thì vẫn luôn ở đó, có ngó lơ thì nó vẫn ở đó, chờ ngày lộ ra. Lúc lộ ra, ai mà nhìn thẳng vào thực tế mà sửa đổi thì lên được tầm khác, ai mà vùi nó đi thì nó sẽ lại trồi lên làm khổ mình lần nữa.


Vậy thì có đáng sợ không? Lúc nào hiểu được lên và xuống là hai mặt của một đồng xu, thì mình cứ đón nhận nó thôi. Chấp nhận được thì không tránh né, không tránh né tức là không sợ.


Cái quan trọng, là hiểu được giá trị của mình. Ừ thì tớ nhận điểm 5 đấy, nhưng tớ tự biết thực lực mình hơn thế nhiều, tớ cũng biết tớ mắc lỗi chủ quan chết người. Vũ trụ cho tớ một bài học, và quyết định của tớ sẽ cho thấy tớ đã học được nó hay chưa, hay lại vùi đi để nó trồi lên một ngày nào nữa. Tớ có thể để cái tôi cay cú rồi tình bạn rạn nứt, hoặc có thể tự mình cố gắng, xây dựng lại sự nghiệp học hành rồi giúp nhiều người khác nữa.


Thất bại lần thứ hai, là mới sáng hôm nay. Tối qua tớ tranh cử làm CA (College Assembly) - đại diện hội đồng trường. Tớ chuẩn bị rất kỹ, ăn ngủ cũng nghĩ đến nó. Tớ cũng được ủng hộ rất nhiều và tự tin vào năng lực bản thân. Vậy mà sáng dậy kết quả vẫn là không được, lại thua vào tay một bạn đăng ký muộn. Buồn thì cũng buồn, nhưng tớ nhìn nhận lại thử xem. Đầu tiên, đây không hẳn là thất bại, với tớ thì đó là một bước tiến tới thành công rồi. Tớ dám tham gia, nói năng trơn tru tự tin, không căng thẳng, nội dung đầy đủ, luận điểm chắc chắn, không có gì để chê. Tự so với bản thân của vài năm trước, làm bài nói tiếng Anh cũng run tay run chân, não ngưng hoạt động thì đây quả thực là sự trưởng thành lớn. Tớ cũng tự chứng tỏ với bản thân rằng, à hóa ra mình cũng có thể ngầu đét như thế. Thứ hai, dù không thắng cử nhưng tớ được rất nhiều người tớ quý ủng hộ. Họ không một chút nghi ngờ khả năng của tớ. Nói chuyện với họ cũng cho tớ nhận ra điểm mạnh yếu của bản thân mà thêm tin vào chính mình nữa. Thứ ba, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Nhìn lại, đặc thù công việc đó có thể không phù hợp với tớ. Tớ cũng không sợ thiếu việc để làm, đầu tư thời gian và công sức vào những ý tưởng khác, có khi lại đụng trúng gì đó hay ho. Ngày nào đó mình sẽ viết về thời gian rảnh - một tài nguyên quý báu không đi kèm hướng dẫn sử dụng.


Ấy mà, phải đón nhận được thất bại thì mới đón nhận được cuộc đời. Tớ thấy tớ giảng đạo ở trên đủ rồi nên sẽ kể chuyện (như tớ vẫn thích làm). Hồi kì 1, do ám ảnh cách dạy học Văn ở nhà nên tớ không dám học English Literature (Văn học Anh) mà chỉ khẽ khàng chọn English Language and Literature mức cơ bản - là mức nhẹ nhất trong nhóm đó. Xong vì con tim vẫn vẫy gọi Văn học , thầy dạy môn đó cũng rất thú vị nên tớ muốn nhảy sang. Éo le là vì chéo tiết nên tớ muốn vào lớp là phải học mức nâng cao luôn, mà tớ có bao giờ đọc Văn học Anh đâu, có mỗi Emma - Jane Austen mà không cuốn lắm. Lúc đó tớ vẫn tin lớp đó học toàn mấy ông bà văn học kinh điển với câu từ sang chảnh dài lê thê miên man đọc lú hết đầu. Tớ nói chuyện với thầy, thì ra không phải, nhưng mà vào lớp thì khả năng phải chịu điểm 5 đấy vì mới vào chưa quen sẽ không có điểm tốt đâu. Tớ chịu, 5 cũng được, em vẫn muốn học. Thế là hành trình chật vật của tớ bắt đầu. Tớ được đọc những tác phẩm độc đáo, có chiều sâu, được thảo luận quan điểm cá nhân với cả lớp về vấn đề trình bày trong tác phẩm. Tớ muốn hiểu tác phẩm đó thế nào cũng được, miễn là có lý luận, và cũng học cách tôn trọng cách hiểu của các bạn khác. Tớ nhảy vào, nhận ra thì ra văn học cũng có thể thật khác, tự do, sáng tạo, lý trí. Văn học đúng ra là phải như thế, không cần phải cao siêu khó đọc, không cần phải theo một lối diễn giải. Để nói về văn học và học văn thì tớ có thể dành riêng một bài. Tớ chỉ muốn nói ở đây tớ thật vui vì ngày hôm đó đã mạnh dạn ôm lấy thử thách đó. (kết quả là tớ vẫn được điểm 6 nhé)


Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép

Cứ yêu đi dù rằng mình ngu si


yêu ngu si mình cũng có cái để kể nữa, nhưng để bài sau, tiện thể trả lời một bạn luôn


à cũng phải nói, sai hay ngu thì cũng trong phạm vi thôi, mà giới hạn là đâu thì các bạn tự hiểu nha, đừng bảo do tớ xúi, vì tớ có mạo hiểm thì cũng đã cân nhắc kỹ rồi.









acknowledgment


i would like to express my special thanks of gratitude to lian for existing

74 views0 comments
notion.png

I wrote down everything that helped me immensely in the process of applying for US colleges. 

Here I want to quote Justin: the layperson takes 5 seconds to look at Michelangelo's David but still knows it's a masterpiece by a genius mastermind. You should have the same approach with writing essays. 

NEWSLETTER

Thanks for submitting!

Proudly created by Hang Nguyen, wanting to help all the learners out there.

bottom of page