top of page

Bạn uống nước khi nào?

Có phải khi đang khát không?

Nếu có thì cơ thể của bạn đang ở tình trạng thiếu nước tương đối. Cảm giác khát chính là cảnh báo cuối cùng cơ thể phát ra báo hiệu tình trạng thiếu nước.

Thế nhưng, uống nước đâu chỉ là để cho đỡ khát. Uống nước chính là tạo điều kiện cho mọi hoạt động nội môi diễn ra thuận lợi, từ đó mà bạn ít ốm vặt hơn, da căng mịn hơn, đầu óc tỉnh táo hơn và hình thể đẹp hơn nữa. Trong bài viết này mình sẽ giải thích lợi ích tuyệt vời của uống nước và cách bạn có thể uống đủ nước hàng ngày.


1. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất


Chức năng quan trọng nhất của nước đối với cơ thể con người là cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nước từ miệng đi xuống dạ dày, được dạ dày hấp thu, nhờ các mạch máu mà được vận chuyển đi khắp cơ thể. Nước hỗ trợ vận chuyển chất dinh dưỡng đến mọi ngóc ngách, tạo điều kiện cho mọi hoạt động sống của tế bào. Khi không có nước, các enzyme diệu kỳ sẽ không thể đi theo mạch máu để tham gia vào các phản ứng hóa sinh trong cơ thể. Nhờ có các hoạt động vĩ mô của nước mà các hoạt động trong hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ bạch huyết diễn ra thuận lợi.


2. Tăng cường hệ miễn dịch


Nước giúp đào thải các độc tố và các chất cặn bã trong cơ thể. Người không uống nước sẽ dễ mắc bệnh hơn. Chất ô nhiễm từ môi trường, dioxin, phụ gia thực phẩm hay chất gây ung thư đều được nước đào thải ra ngoài. Hơn nữa, khi uống nước, các bộ phận dễ bị vi trùng, vi rút tấn công như niêm mạc dạ dày, niêm mạc phế quản sẽ được làm ẩm, kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch và trở thành nơi vi rút khó có thể xâm nhập. Trái lại, khi cơ thể không đủ nước, mặc dù có đờm hay chất nhầy trong phế quản nhưng vi rút vẫn bám chặt vào phế quản, sinh sản và gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp.


Fun fact: hồi nhỏ mình uống cực ít nước và bị bệnh viêm phế quản quanh năm. Lúc đó bác sĩ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh cho mình chứ không ai dặn là phải uống nước cả. Sau này khi uống đủ nước, bệnh về tai mũi họng của mình đều bay biến cả. Mình không nghĩ đây là một sự trùng hợp.


3. Thanh lọc cơ thể


Không chỉ phế quản, nước còn có mặt trong hệ bạch huyết. Nếu coi huyết quản là một dòng sông thì hệ bạch huyết chính là hệ thống cống của dòng sông đó. Bạch huyết thanh lọc nước, protein, chất cặn bã và sau khi thanh lọc độc tố sẽ trả lại các chất vào tuần hoàn máu. Tuyến này cũng có gamma globulin miễn dịch và enzyme lysozyme kháng khuẩn. Nước là vô cùng cần thiết để hệ bạch huyết hoạt động thuận lợi.


4. Làn da căng mọng


Ở trẻ nhỏ, nước chiếm khoảng 80% cơ thể, người lớn là 60 - 70% và người cao tuổi là 50 - 60%. Làn da em bé luôn mềm mịn và căng mọng chính là do các tế bào được no nước. Tỉ lệ nước chứa trong lớp mô dưới da của trẻ sơ sinh là 88%, trong khi của thanh niên đôi mươi trẻ trung chỉ là 68%. Trọng tâm của mọi chu trình dưỡng da là cấp ẩm, nổi bật là thành phần Hyaluronic Acid (HA) có khả năng hút nước vào da. Thế nhưng, mọi phương pháp dưỡng da này chỉ mang tính chữa cháy nếu bỏ qua điều căn bản nhất: Bổ sung đầy đủ nước. Dù bạn có thoa bao nhiêu chất cấp ẩm và khóa ẩm lên da mà lượng nước trong cơ thể còn bị thiếu hụt thì làn da không thể đủ ẩm và căng mọng được.


Mỗi khi cơ thể thiếu nước, cơ thể sẽ lấy đi nước ở làn da đầu tiên. Khi bạn uống nước, bộ phận được cung cấp nước cuối cùng cũng chính là da. Thế nên, các dấu hiệu lão hóa sẽ biểu hiện ngay trên da đầu tiên. Cơ thể phải đủ nước thì mới chăm lo cho làn da của bạn được. Vì vậy, bạn hãy cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bỏ qua điều này mà chỉ nghĩ đến việc tăng hiệu quả giữ nước cho da là một sai lầm.


5. Giảm cân


Bạn có thể chỉ uống nước mà vẫn giảm cân. Nghe có vẻ khó tin nhưng lại là sự thật được kiểm chứng bởi nghiên cứu khoa học. Khi uống nước, hệ thần kinh giao cảm được kích thích, adrenaline được tiết ra. Adrenaline hoạt hóa hormone nhạy cảm linpase (HSL) có trong mô mỡ, phân giải các chất béo thành axit béo là glycerol, chuyển chất béo tích trữ về dạng dễ đốt cháy. Như vậy, nước đẩy nhanh quá trình chuyển hóa năng lượng (metabolism), làm tăng lượng calo tiêu hao. Theo một thí nghiệm nghiên cứu, nếu một ngày uống 3 lần 500ml nước, lượng tiêu hao calo tăng lên 30%. Thêm vào đó, khoảng 30 phút sau khi uống nước, tỉ lệ đốt cháy calo đạt đến đỉnh cao.


Để gia tăng hiệu quả này, bạn nên uống nước mát khoảng 20 độ C. Nước mát thấp hơn nhiệt độ cơ thể nên cơ thể cần sử dụng thêm năng lượng để làm ấm nước. Mặc dù vậy, chúng ta tuyệt đối nên tránh uống nước lạnh bởi khi đó, cơ thể bị làm lạnh đột ngột dễ dẫn đến tiêu chảy hay cảm giác khó chịu trong người. Thân nhiệt hạ xuống 1 độ thì quá trình trao đổi chất giảm 50%. Thân nhiệt thấp sẽ giảm đi khả năng miễn dịch cơ thể do hoạt động của các enzyme giảm xuống. Vậy, nước mát chỉ nên giữ ở 20 độ C là an toàn.


Suy nghĩ đơn giản hơn, rất nhiều lúc bạn cảm thấy thèm ăn thực ra không phải do cơ thể cần năng lượng, mà kỳ thực là do thiếu nước. Khả năng phân biệt giữa tín hiệu thiếu thức ăn và thiếu nước của cơ thể rất hạn chế. Uống nước không chỉ làm bay biến cảm giác đói ảo đó mà còn làm bụng no hơn, từ đó lượng ăn trong ngày của bạn sẽ ít hơn. Bạn nên uống 500ml nước trước khi ăn để giảm lượng thức ăn trong bữa cơm. Tuy nhiên, bạn không nên uống nhiều hơn 500ml làm loãng dịch vị dạ dày, dẫn đến tiêu hóa kém.


6. Đầu óc tỉnh táo


Não bao gồm một lượng lớn các tế bào thần kinh, và ở đây có đến 85% là nước. Vậy, tại sao bộ phận chỉ huy của toàn cơ thể lại cần nhiều nước đến vậy? Đó là do nước được dùng làm vật trung gian để truyền đạt thông tin. Các mạch nước siêu nhỏ trong tế bào thần kinh giúp vật chất thần kinh từ não truyền mệnh lệnh đến toàn cơ thể. Chính vì vậy, nếu não bị thiếu nước sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Nếu nhẹ, người đó chỉ bị đau đầu và không thể xử lý thông tin. Nếu nặng, người đó có thể mắc các bệnh nghiêm trọng như thương tổn trí nhớ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với bệnh nhân sốt cao.


Rất nhiều người có thói quen sai lầm là uống cà phê để tỉnh táo làm việc. Thế nhưng, cafein lại là chất gây mất nước, từ đó hoạt động não sẽ kém hơn. Thay vào đó, uống thật nhiều nước để bảo vệ và tăng cường bộ não của mình là việc nên làm. Đối với các bạn học sinh, đi thi hãy luôn nhớ mang theo chai nước để uống liên tục. Bạn không biết được bộ não của mình sẽ giải đề hiệu quả hơn như thế nào đâu.


7. Trị liệu ung thư


Nếu bạn chỉ uống 1L nước một ngày thì cơ thể đang thiếu 30% nước. 30% này lại không bị lấy đi đồng đều ở mọi cơ quan. Khi mất nước, cơ thể sẽ hạn chế lưu thông máu đến vùng ngoại biên như tay chân và ưu tiên các bộ phận quan trọng như não và tim. Tuần hoàn máu giảm xuống khiến việc cung cấp oxy và dưỡng chất đến các tế bào bị đình trệ, đồng thời hạn chế việc bài tiết độc tố ra ngoài cơ thẻ. Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài, các tế bào không thể thực hiện trao đổi chất và hoạt động bình thường được.


Những tế bào không thể bài tiết độc tố cũng như thiếu hụt oxy còn có nguy cơ xảy ra các biến đổi dị thường trong cấu trúc gen dẫn đến biến đổi thành tế bào ung thư. Theo bác sĩ Hiromi Shinya, những cuộc điều tra về mối tương quan gữa thói quen ăn uống và bệnh tật của ông đều chỉ ra rằng người mắc bệnh ung thư hầu hết đều không cung cấp đủ nước cho cơ thể.


Ở Mỹ, phương pháp điều trị ung thư thay thế gọi là "uống nước trị liệu" được rất nhiều người chú ý. Người đề xướng phương pháp này là bác sĩ F. Batmanghelidj, người đã nghiên cứu vai trò y học của nước đối với cơ thể con người. Ông đề xuất rằng căn nguyên của hầu hết bệnh tật con người là sự trở ngại trong trao đổi chất gây ra bởi sự thiếu nước mãn tính ở các tế bào trong cơ thể. Rất đông những người đang mắc phải bệnh mãn tính đã được cứu chữa nhờ phương pháp uống nước trị liệu này.

51 views0 comments

Updated: Mar 30, 2020

1. Mì rong biển cho những ai đang dần thích nghi với một chế độ ăn uống lành mạnh hơn.


Với những ai đã quen ăn mì tôm vào bữa sáng, hãy chuyển sang dùng mì gạo. Mì gạo lành tính hơn, ít tinh chế hơn và có ít chất phụ gia hơn. Để cho bữa sáng no lâu và đủ chất xơ cũng như vitamin, hãy thêm vào thật nhiều rau xanh. Mình chọn rong biển vì nó nấu vừa nhanh vừa dễ. Chỉ cần nhớ là cho một nhúm nhỏ thôi vì nó sẽ nở bung ra rất nhiều đó.


Nguyên liệu:

- Mì gạo Nhật

- Rong biển

- Sốt tương đen hoặc xì dầu

- Sốt dầu mè hoặc muối hoặc xì dầu (Không bắt buộc)


Cách làm:

Bước 1: Luộc mì và rong biển 5 phút. Bỏ ra tô.


Bước 2: Nêm nếm. Mình thêm sốt dầu mè. Bạn có thể thêm muối tiêu hay xì dầu đều ngon cả.

Bước 3: Rưới ít dầu vào nồi. Thêm mì và sốt tương đen vào và đảo đều. Bước này sẽ giúp sợi mì săn lại và đậm đà hơn.

Thành quả là một bát canh rong biển cùng mì sốt tương đen dai mềm ngòn ngọt.


ta da. fake but healthy version of jjajangmyeon. bon appetit.


2. Cháo yến mạch ấm áp cho một sáng chớm đông


Đây là bữa sáng cổ điển của mình. Nấu vừa nhanh vừa dễ mà hương vị lại béo béo thơm thơm. Với những ai chưa quen, yến mạch nguyên chất có thể nhạt miệng nhưng đối với mình, ăn đồ nhạt lâu ngày rồi lại thấy ngon. Thực ra, yến mạch nhạt như thế vì nó không chứa đường, muối hay chất tạo vị, một lý do mà yến mạch là thành phần hoàn hảo cho bữa sáng lành mạnh. Khi nấu cùng sữa hạt, vị sữa sẽ ngấm vào yến mạch, tạo nên bát cháo bùi béo tự nhiên. Yến mạch giữ nguyên lớp cám ở ngoài nên vừa chứa nhiều vitamin vừa là tinh bột hấp thu chậm, giúp bạn no lâu hơn và giữ đường huyết ở mức ổn định. Khi ăn kèm với trứng và hạt chia, cháo yến mạch sẽ cung cấp đủ tinh bột, chất béo, protein và chất xơ cho cả buổi sáng.


Nguyên liệu:

- 3 - 4 thìa yến mạch nguyên cám (Rolled oats/Steel cut oats/ Instant oats)

- 250ml sữa hạnh nhân (có thể thay bằng sữa hạt khác)

- 2 quả trứng

- Hạt chia tùy chọn (có thể dùng hạt hạnh nhân, lạc, hạt điều,...)


Cách làm:

Bước 1: Đổ sữa vào nồi và đun ở lửa vừa. Thêm 3-4 thìa yến mạch và khuấy đều.

Bước 2: Khi cháo đã sệt, thêm 2 quả trứng gà. Khuấy đều để tránh cháo bám dính vào nồi. Lưu ý: Khi khuấy không động thìa vào trứng tránh làm vỡ lòng đỏ. Chỉ nên nghiêng nồi để di chuyển trứng.

Bước 3: Bước này là tùy chọn nhưng thêm nửa thìa hạt chia thì cháo sẽ quyện lại và có kết cấu dẻo và giòn hơn. Hạt chia được gọi là siêu thực phẩm vì có chứa rất nhiều axit béo tốt như omega 3 cùng các vitamin thiết yếu khác.


mlem mlem. look at that appetizing egg yolk.

3. Yến mạch qua đêm cho những ai không có thời gian ăn sáng.


Yến mạch qua đêm giống món tráng miệng hơn là bữa sáng. Nó có vị bùi béo của sữa hạt, vị đắng của matcha cộng với hạt chia giòn giòn trong miệng. Điểm cộng lớn nhất là cách làm siêu đơn giản, nhanh và chẳng cần rửa nồi niêu chi hết. Bạn chỉ cần trộn mọi thành phần lại trong 5 phút và để tủ lạnh ít thì 30 phút mà nhiều thì qua đêm. Sau khi bỏ tủ lạnh một khoảng thời gian, sữa sẽ ngấm vào yến mạch, tạo nên kết cấu đặc sệt và đậm hương sữa.


Nguyên liệu:

- 3 - 4 thìa yến mạch nguyên cám

- 250ml sữa hạt

- 1 thìa bột matcha / bột cacao

- 1/2 thìa hạt chia

- 1 quả chuối


Cách làm:

Bước 1: Trộn đều yến mạch, sữa hạt, matcha và hạt chia theo thứ tự.



Bước 2: Để trong ngăn mát tủ lạnh từ 30 phút đến 8 tiếng.



Bước 3: Khi lấy ra từ tủ lạnh, yến mạch nên có kết cấu sền sệt giòn giòn như thế này. Cắt 1 quả chuối để thêm vị ngọt tự nhiên. Trộn đều và thưởng thức. Lúc này yến mạch đã ngọt mát, bùi bùi, đậm vị trà matcha và không khác gì một món tráng miệng.

17 views0 comments

Updated: Mar 30, 2020

Ăn chậm nhai kỹ đóng vai trò thiết yếu trong tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Đáng tiếc ngày nay người ta thường ăn vội, ăn qua loa, dẫn đến tình trạng dù ăn nhiều vẫn bị thiếu chất. Bất cứ ai cũng cần luyện tập thói quen ăn chậm nhai kỹ để cơ thể hấp thu dưỡng chất, tận hưởng món ăn và kiểm soát lượng thức ăn nạp vào. Trước khi bắt đầu, chúng ta cần hiểu rõ lý do vì sao ăn chậm nhai kỹ lại quan trọng đến vậy.


1. Hấp thu chất dinh dưỡng


Việc nhai kỹ sẽ thúc đẩy quá trình tiết nước bọt. Trong nước bọt có chứa enzyme tiêu hóa, nhờ quá trình nhai mà enzyme được trộn cùng các thức ăn trong khoang miệng, thúc đẩy quá trình phân giải thức ăn, do đó hấp thụ thức ăn sẽ tốt hơn. Với thức ăn mềm, hãy nhai từ 30 đến 50 lần. Với thức ăn dai hay khó tiêu, hãy nhai khoảng 70 lần. Có như vậy thức ăn mới được nghiền nát hoàn toàn. Càng nhai kỹ, nước bọt càng được kích thích tiết ra nhiều, giúp thức ăn trộn đều với dịch dạ dày và dịch mật. Khi nhai không kỹ, kích thước thức ăn không đủ nhỏ (0.015 milimet) để thành ruột có thể hấp thu và bị đào thải ra ngoài. Người ăn nhanh có ăn mười phần thì cơ thể chỉ hấp thu được ba phần mà thôi.


Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu thức ăn không được tiêu hóa? Thức ăn dư thừa sẽ bị thối và lên men bất thường trong đường ruột, sinh ra lượng lớn chất độc hại, buộc cơ thể phải tiêu tốn enzyme để giải độc. Do vậy, dù có ăn uống lành mạnh đủ chất mà nhai qua loa, cơ thể cũng rất dễ bị thiếu chất. Nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân cho số lượng người béo phì mà thiếu chất gia tăng, bên cạnh chế độ ăn không hợp lý.


Theo bác sĩ Hiromi Shinya, tác giả Nhân tố enzyme, người bệnh do đó không nên ăn cháo. Ăn cháo nuốt dễ trôi nhưng hạn chế kích thích enzyme trong nước bọt, dẫn đến khả năng tiêu hóa kém. Người bệnh vẫn nên ăn cơm như bình thường, tập trung vào ngũ cốc nguyên cám và rau củ quả.


2. Giảm áp lực lên dạ dày


Khi thức ăn đã được nghiền nát trong miệng, dạ dày sẽ giảm bớt gánh nặng tiêu hóa. Dạ dày sẽ không cần làm việc cật lực như khi ăn nhanh để co bóp nghiền nát thức ăn. Dạ dày làm việc ít hơn đồng nghĩa với việc thức ăn tiêu hóa nhanh hơn và tốn ít năng lượng của toàn cơ thể hơn.


3. Tận hưởng hương vị món ăn


Ăn uống chính là thú vui ở đời và ăn chậm chính là để cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ăn. Chính khi tập trung tinh thần vào món ăn, ta mới nếm được vị ngọt của ngũ cốc hay vị bùi béo của cá. Phải cảm nhận được vị ngon của thức ăn tươi và lành mạnh thì bạn mới yêu thích nó và cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi ăn. Tinh thần vui vẻ vừa hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, vừa làm bạn thèm ăn thực phẩm lành mạnh thay vì đồ ăn nhanh.


4. Kiểm soát lượng thức ăn


Một nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra rằng việc nhai kỹ giảm bớt số lượng calorie nạp vào một cách đáng kể và hạ thấp nồng độ ghrelin - một loại hormone xúi giục bạn ăn nhiều hơn nữa. Thông thường, bộ não cần 20 phút để nhận được tín hiệu rằng bụng đã no. Khi cơ thể nhận được đủ thức ăn, mô mỡ sẽ tiết ra leptin, hormone ngăn chặn cơn đói, để thông báo bụng no rồi, không cần ăn thêm nữa. Khi ăn quá nhanh, tín hiệu này không kịp truyền lên não và bạn có thể sẽ ăn quá no mà không hay biết. Não bạn cần thời gian để điều hòa lượng thức ăn nạp vào cho vừa đủ. Vì vậy, hãy ăn chậm lại để lắng nghe cơ thể mình đang nói gì nhé.


Vậy, làm thế nào để học cách ăn chậm hơn?

Không dùng điện thoại và TV

Khi đang chăm chú xem TV hay dùng điện thoại, một phần nào đó bạn quên mất là mình đang ăn, từ đó nhai không đủ lượng. Bạn để ý mà xem, khi đang xem TV, người ta ăn với tốc độ nhanh hơn hẳn, đặc biệt là trẻ em. Lúc này ăn uống như một hoạt động bên lề chứ không còn là hành động cần sự tập trung tinh thần. Việc đầu tiên bạn cần làm là loại bỏ những phương thức giải trí gây mất tập trung đó.

Ngồi vào bàn ăn

Ngồi vào bàn tạo cảm giác chậm rãi hơn khi đứng dậy. Thông thường khi vừa đứng vừa ăn, người đó đang trong trạng thái cần nhồi nhét thức ăn cho xong, dần dà sinh ra phản xạ tự nhiên cứ đứng là sẽ ăn vội vàng. Hãy cứ ngồi xuống bàn thong thả nhấm nháp thức ăn nhé.

Mỗi lần một miếng

Hãy luyện thói quen phải nuốt thức ăn trong miệng đã rồi mới đưa miếng khác vào. Chẳng việc gì gấp gáp mà phải nhồi nhét miếng này đến miếng khác vào miệng cả. Thay vào đó, hãy đặt đũa xuống, uống ngụm nước, trò chuyện với mọi người xung quanh và tận hưởng món ăn. Nhớ nha, ép dầu, ép mỡ, không ai nỡ ép ăn.


Mình mong là bài viết của mình đã giúp ích được cho các bạn trong việc phát triển một thói quen ăn uống cần có - ăn chậm nhai kỹ. Nếu bạn có ý kiến muốn bổ sung hay phản biện bài viết của mình thì cứ bình luận ở dưới nhé.

Nguồn tham khảo: Nhân tố enzyme - Hiromi Shinya


36 views0 comments
notion.png

I wrote down everything that helped me immensely in the process of applying for US colleges. 

Here I want to quote Justin: the layperson takes 5 seconds to look at Michelangelo's David but still knows it's a masterpiece by a genius mastermind. You should have the same approach with writing essays. 

NEWSLETTER

Thanks for submitting!

Proudly created by Hang Nguyen, wanting to help all the learners out there.

bottom of page